Được thành lập từ năm 1993, Liên minh Châu Âu (“The European Union – viết tắt là EU”) là một tổ chức quốc tế lớn sở hữu đồng tiền mạnh nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu. Đây cũng là một trong những khu vực du lịch tự do lớn nhất và an toàn nhất thế giới. Và còn rất nhiều thông tin hấp dẫn về liên minh với 28 quốc gia thành viên này trong bài viết bên dưới, hãy cùng khám phá nhé!

Giới thiệu tổng quan về Liên minh Châu Âu

Liên minh châu Âu (“EU”) là một tổ chức quốc tế bao gồm 27 quốc gia châu Âu nhằm điều chỉnh các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh chung của các quốc gia thành viên. Theo trang web của EU, mục tiêu của Liên minh châu Âu là thiết lập quyền công dân châu Âu, đảm bảo tự do, công lý và an ninh, thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội, và khẳng định vai trò của châu Âu trên thế giới.

lien-minh-chau-Au -tru-so
Trụ sở Liên minh Châu Âu tại Brussels (https://www.flickr.com/photos/optical_illusion Optical illusion)

Liên minh châu Âu có tổng diện tích là 4.233.255,3 km2 và tổng dân số ước tính khoảng 447 triệu. Thủ đô của Liên minh Châu Âu là Brussels, Bỉ. 19 nước thành viên EU đã chấp nhận đồng tiền chung (đồng Euro), tạo nên khu vực đồng Euro.

Liên minh châu Âu đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2012, để ghi nhận những nỗ lực của tổ chức trong việc thúc đẩy hòa bình và dân chủ ở châu Âu.

Lịch sử hình thành Liên minh Châu Âu

Mầm mống hình thành Liên minh Châu Âu bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với mục tiêu chấm dứt các cuộc chiến đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa các quốc gia láng giềng, đẩy mạnh sự hội nhập. Người đã nêu ra ý tưởng và đề xuất đầu tiên là Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman trong một bài phát biểu vào ngày 9/5/1950, sau này được xem là “Ngày Châu Âu”.

Lúc ấy, Cộng đồng Than và Thép Châu Âu bắt đầu thống nhất các nước Châu Âu về kinh tế và chính trị để đạt được hòa bình lâu dài. Năm 1957, Hiệp ước Rome tạo ra Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) hay còn gọi là ‘Thị trường chung’. Điều này đã mang lại một thời kỳ tốt đẹp cho nền kinh tế châu Âu, khi các nước EU ngừng tính thuế hải quan khi giao dịch với nhau. Sau đó, vào năm 1986, Đạo luật Châu Âu duy nhất được ký kết.

Những năm 1990 cũng là một thập kỷ của các hiệp ước trong Liên minh Châu Âu: Hiệp ước ‘Maastricht’ năm 1993 và Hiệp ước Amsterdam năm 1999. Trong đó, cột mốc quan trọng là Hiệp ước Maastricht có hiệu lực vào ngày 1 tháng 11 năm 1993, Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, thông qua quyền công dân EU và tạo ra đồng euro là đơn vị tiền tệ duy nhất cho EU. Đồng thời, Hiệp ước ‘Schengen’ ra đời dần dần cho phép mọi người tự do đi lại ở một số nước trong Liên minh Châu Âu.

Năm 2008, một cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Hiệp ước Lisbon ra đời có hiệu lực vào năm 2009, cung cấp cho EU các thể chế hiện đại và phương pháp làm việc hiệu quả hơn. Theo thời gian, khi nhiều quốc gia tham gia hơn và các ưu tiên thay đổi, EU đã phát triển như một cơ cấu tổ chức để hội nhập châu Âu rộng lớn hơn.

Xem thêm về lịch sử hình thành liên minh châu âu tại wikipedia

Co lien minh chau au
Cờ Liên minh Châu Âu (https://www.flickr.com/photos/53297845@N06 Terra Nova)

Cơ cấu tổ chức và thành viên Liên minh Châu Âu

1. Cơ cấu tổ chức

Là một tổ chức quốc tế, do vậy Liên minh châu Âu hoạt động thông qua hệ thống chính trị đa  quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp. Liên minh Châu Âu được điều hành bởi các cơ quan chính như: Hội đồng châu Âu, Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Liên minh, Ủy ban Châu Âu, Tòa án Công lý, Ngân hàng Trung ương và Tòa án Kiểm toán.

  • Hội đồng châu Âu

Hội đồng Châu Âu tập hợp các nhà lãnh đạo các quốc gia EU để thiết lập chương trình nghị sự chính trị của EU. Hội đồng Châu Âu bao gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ của tất cả các nước EU, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Là một trong 7 tổ chức chính thức của EU, Hội đồng châu Âu diễn ra dưới hình thức các cuộc họp thượng đỉnh (thường là hàng quý) giữa các nhà lãnh đạo EU, do một chủ tịch thường trực chủ trì.

lien-minh-chau-Au -hoi-dong-chau-au
Hội đồng Châu Âu tại cuộc họp năm 2013 (https://www.flickr.com/photos/europeancouncil_meetings European Council)

Hội đồng Châu Âu quyết định về hướng đi chung của EU và các ưu tiên chính trị – nhưng không thông qua Luật; đặt ra chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU, có tính đến các lợi ích chiến lược và ý nghĩa quốc phòng của EU; đề cử và bổ nhiệm các ứng cử viên vào một số vai trò cấp cao của EU…

  • Ủy ban châu Âu

Ủy ban Châu Âu đóng vai trò là cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu và là cơ quan duy nhất có thể đề xuất luật mới. Ủy ban bao gồm các uỷ viên là đại diện từ mỗi quốc gia thành viên. Ủy ban được chia thành các bộ phận, mỗi bộ phận chịu trách nhiệm đề xuất luật pháp và chính sách mới trong một lĩnh vực nhất định. Ủy ban cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện và thực thi các chỉ thị và quy định của EU và nó đại diện cho EU trong các cuộc đàm phán quốc tế.

lien-minh-chau-Au -uy-ban-chau-au
Ủy ban Châu Âu là cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu (https://www.flickr.com/photos/europeanspaceagency European Space Agency)

  • Nghị viện châu Âu

Nghị viện châu Âu ban đầu chủ yếu có vai trò cố vấn trong EU; tuy nhiên, với Hiệp ước Maastricht năm 1993, nó đã trở thành một đối tác lập pháp quan trọng của Hội đồng. Nghị viện tối đa có 705 thành viên, được bầu trực tiếp dựa trên tỷ lệ dân số của các quốc gia thành viên 5 năm một lần. Chức năng của Nghị viện Châu Âu là cùng với Hội đồng thông qua các điều Luật và xem xét ngân sách của EU. Nghị viện không khởi xướng Luật, nhưng có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu làm như vậy.

lien-minh-chau-Au -nghi-vien
Thành viên Nghị viện châu Âu biểu quyết (https://www.flickr.com/photos/european_parliament European Parliament)
  • Hội đồng Liên minh châu Âu

Hội đồng Liên minh Châu Âu, còn được gọi là Hội đồng Bộ trưởng, là cơ quan lập pháp chính của EU, cùng với Nghị viện. Nó bao gồm 27 “bộ trưởng”, một bộ trưởng từ mỗi quốc gia thành viên, những người được giao các lĩnh vực vấn đề cụ thể. Các trách nhiệm chính của nó bao gồm thông qua luật (thường xuyên, nhưng không phải lúc nào, cùng với Nghị viện), điều phối chính sách kinh tế, đối ngoại và tư pháp hình sự, và đưa ra các hiệp ước.

lien-minh-chau-Au -uy-ban-lien-minh-chau-au
Cuộc họp của Hội đồng Liên minh châu Âu (https://www.flickr.com/photos/apminebanconvention )

  • Tòa án Công lý Châu Âu

Tòa án Công lý Châu Âu là cơ quan xét xử chính của EU. Nó bao gồm các thẩm phán đại điện cho mỗi quốc gia thành viên bổ nhiệm với sự tham vấn của các quốc gia thành viên khác với nhiệm kỳ 6 năm. Tòa án Công lý Châu Âu quyết định các trường hợp phát sinh từ luật của EU bao gồm các tranh chấp về việc giải thích và áp dụng các hiệp ước hoặc việc không thực hiện luật của EU…

  • Ngân hàng Trung ương châu Âu

Ngân hàng Trung ương Châu Âu chịu trách nhiệm thiết lập và thực hiện chính sách tiền tệ và chịu trách nhiệm phát hành đồng Euro.

  • Toà án Kiểm toán

Với tư cách là cơ quan kiểm toán độc lập bên ngoài của EU, Tòa án Kiểm toán Châu Âu quan tâm đến lợi ích của những người nộp thuế ở EU. Nó không có quyền hạn pháp lý, nhưng hoạt động để cải thiện quản lý của Ủy ban châu Âu về ngân sách EU và báo cáo về tài chính của EU.

2. Thành viên Liên minh Châu Âu

Gia nhập Liên minh châu Âu

Bất kỳ quốc gia nào đáp ứng các điều kiện để trở thành thành viên đều có thể đăng ký làm thành viên EU. Những điều kiện này được gọi là ‘tiêu chí Copenhagen’ và bao gồm nền kinh tế thị trường tự do, nền dân chủ ổn định và pháp quyền, cũng như việc chấp nhận tất cả luật pháp của EU, bao gồm cả đồng euro.

Tuy nhiên, việc trở thành thành viên của EU là một thủ tục phức tạp không diễn ra trong một sớm một chiều. Một quốc gia muốn gia nhập EU sẽ nộp đơn đăng ký thành viên cho Hội đồng, Hội đồng yêu cầu Ủy ban đánh giá khả năng của người nộp đơn để đáp ứng các tiêu chí Copenhagen. Nếu ý kiến ​​của Ủy ban là tích cực, Hội đồng sau đó phải đồng ý về nhiệm vụ đàm phán. Các cuộc đàm phán sau đó được chính thức mở trên cơ sở từng chủ đề. Do khối lượng lớn các quy tắc và quy định của EU mà mỗi quốc gia ứng cử viên phải thông qua như luật quốc gia, các cuộc đàm phán cần có thời gian để hoàn thành.

Hiện tại, các quốc gia thành viên của EU bao gồm (theo thứ tự gia nhập): Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Đan Mạch, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Síp, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Bulgaria và Romania, và Croatia.

Lịch sử gia nhập các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu:

  • Ngày đầu thành lập, Liên minh châu Âu chỉ bao gồm 6 quốc gia : Bỉ, Đức, Ý, Luxembourg, Pháp, Hà Lan.
  • Năm 1973, Đan Mạch, Ireland và Vương quốc Anh chính thức quyết định gia nhập Liên minh châu Âu, trở thành chín quốc gia thành viên hoàn toàn. (Anh rời khỏi EU năm 2020)
  • Năm 1981, Hy Lạp gia nhập tổ chức tăng lên thành 10 thành viên.
  • Năm 1986, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tham gia EU.
  • Năm 1995, EU mở rộng hơn nữa với ba thành viên gia nhập: Áo, Phần Lan và Thụy Điển.
  • Sự chia rẽ chính trị, trong những năm 2000, giữa Đông và Tây Âu cuối cùng đã được hàn gắn và thêm 10 quốc gia mới  (Ba Lan, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Séc, Síp, Slovakia, Slovenia ) gia nhập EU vào năm 2004, tiếp theo là Bulgaria và Romania gia nhập vào năm 2007.
  • Năm 2013, Croatia trở thành thành viên EU.

Tách khỏi Liên minh Châu Âu

Theo Hiệp ước Lisbon sửa đổi, bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể quyết định rút khỏi Liên minh phù hợp với các yêu cầu hiến pháp của chính quốc gia đó. Quốc gia thành viên nào có quyết định rút khỏi Liên Minh, sẽ thông báo cho Hội đồng Châu Âu. Theo hướng dẫn của Hội đồng Châu Âu, Liên minh sẽ đàm phán và ký kết một thỏa thuận với Quốc gia đó, đưa ra các thỏa thuận cho việc rút khỏi nước này, có tính đến khuôn khổ cho mối quan hệ trong tương lai với Liên minh.

Có thể kể đến một sự kiện quan trọng trong lịch sử Liên minh Châu Âu là việc vương quốc Anh và Bắc Ireland rút khỏi tổ chức, còn được gọi tắt là Brexit (Britain exit).

lien-minh-chau-Au -brexit
Sự kiện Brexit gây tranh cãi ở nước Anh với phe ủng hộ và phản đối (https://www.flickr.com/photos/simonstrange23 simon strange)

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland gia nhập EU vào năm 1973. Vào tháng 6 năm 2016, Vương quốc Anh đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, để người dân quyết định xem họ muốn rời hay ở lại Liên minh châu Âu, sau một vài năm tranh luận chính trị về chủ đề này. 33.577.342 người đã tham gia cuộc trưng cầu, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 72,2%. Kết quả trưng cầu dân ý với 52% chọn rời đi trong khi 48% ở lại. Ngày 31/1/2020, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức rời Liên minh Châu Âu.

Liên minh Châu Âu và Du lịch

Liên minh Châu Âu với 28 quốc gia thành viên là một lục địa rộng lớn với hàng nghìn năm lịch sử, một di sản văn hóa phong phú và một số phong cảnh ngoạn mục nhất thế giới. EU trải dài từ Lapland ở phía bắc đến Địa Trung Hải ở phía nam, và từ bờ biển phía tây của Ireland đến bờ phía đông của Síp: hệ sinh thái phong phú từ bờ biển đá đến bãi biển đầy cát, từ đồng cỏ màu mỡ đến vùng đồng bằng khô cằn, từ hồ và rừng đến lãnh nguyên Bắc Cực. Các dân tộc ở Châu Âu, với truyền thống, văn hóa và ngôn ngữ đa dạng, chiếm gần 7% dân số thế giới. Di sản lịch sử  của EU được thể hiện trong các bức tranh hang động thời tiền sử, cổ vật Hy Lạp và La Mã, kiến ​​trúc Moorish, pháo đài thời trung cổ, cung điện thời Phục hưng và Nhà thờ Baroque… Châu Âu hiện đại cũng thu hút khách du lịch với các thành phố sôi động, các lễ hội văn hóa đầy màu sắc và ẩm thực đa dạng.

kinh-nghiem-thu-tuc-xin-visa-chau-au-schengen-tu-tuc
Xin Visa Châu Âu – Visa Schengen

Và sự ra đời Hiệp ước Schengen giúp cho việc du lịch, khám phá ở một số quốc gia EU trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Đây là một trong những thành tựu lớn nhất của EU. Hiệp ước Schegen quy định khu vực không có biên giới nội bộ giữa một số quốc gia EU, là khu vực mà công dân EU hay không thuộc EU, doanh nhân và khách du lịch có thể tự do lưu thông mà không bị kiểm tra biên giới. Bạn có thể vượt qua biên giới trong nhiều nước trong Liên minh Châu Âu mà không bị kiểm tra và chó hoặc mèo của bạn có thể đi cùng bạn. Đồng euro giúp bạn thoải mái mua sắm.

Việc loại bỏ hầu hết các thủ tục hộ chiếu và hành lý và sử dụng cùng một loại tiền tệ – đồng euro – ở một số quốc gia EU cũng tạo điều kiện cho du khách trên thế giới khám phá châu Âu, thúc đẩy hoạt động du lịch ở khu vực này. Chỉ cần được cấp thị thực Schengen (“visa Schengen”), du khách có thể thoải mái tham quan các địa điểm, tự do di chuyển ở một số nước EU trong thời hạn 90 ngày mỗi một chu kỳ nửa năm.

Trên đây là những thông tin cực thú vị về Liên minh châu Âu, tổ chức quốc tế hùng mạnh bậc nhất trên thế giới. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong hành trình du lịch châu Âu sắp tới!

Câu hỏi thường gặp về Liên Minh Châu Âu

Liên minh châu Âu gồm những quốc gia nào?

Liên minh Châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên của EU bao gồm (theo thứ tự gia nhập): Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Đan Mạch, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Síp, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Bulgaria và Romania, và Croatia. Vương quốc Anh và Bắc Ireland hiện không còn là thành viên EU, đã rút khỏi tổ chức này từ tháng 1/ 2020.

Sự khác biệt giữa NHỮNG nước Schengen và các nước EU?

Các nước EU và các nước Schengen đều là các nước Châu Âu. Các nước EU là những nước Châu Âu là thành viên của Liên minh Châu Âu và đã ký kết các hiệp ước của Liên minh Châu Âu. Các nước Schengen là những nước Châu Âu đã ký Hiệp định Schengen. Trong 26 nước ký kết Hiệp ước Schengen chỉ có 22 nước là thành viên của Liên minh Châu Âu.

Thời gian xin visa Schegen là bao lâu?

Công dân Việt Nam – khi làm thủ tục xin visa Schengen – cần phải được sự chấp thuận của TẤT CẢ các nước trong khối Schengen thì mới được cấp visa Schengen; do đó, thời gian xét duyệt khá là lâu. Thông thường, thời gian để làm visa Schengen là 15 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn nếu hồ sơ có nhiều điểm cần xác minh. Chính vì vậy, nếu có ý định du lịch EU, bạn nên nộp hồ sơ sớm tầm 1 tháng.

Loading

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.