Dừng chân tại đất Pháp trong chuyến hành trình khám phá nền văn hóa Châu Âu với những công trình kiến trúc đồ sộ, thật thiếu trọn vẹn nếu bạn chưa một lần viếng thăm cung điện Versailles. Nơi sẽ mang đến cho bạn cảm giác choáng ngợp bởi lối kiến trúc tinh xảo cùng cách bày trí xa hoa, lộng lẫy và quý tộc. Nơi mà toát lên vẻ đẹp từ không gian uy nga, tráng lệ, nâng bạn bước vào giấc mơ của một triều đại phong kiến Pháp. Chỉ có thể là cung điện Versailles – địa điểm ghi dấu đáng tự hào với bề dày lịch sử hoành tráng với nốt son chói lọi trong tâm điểm của hoàng gia Pháp. Và liệu cung điện này có điều gì đặc biệt? Liệu còn điều gì đang chờ đón bạn tại Versailles? Cùng Toidi bước vào chuyến du lịch giải mã những bí ẩn này ngay bên dưới nhé!

1. Sơ lược về cung điện Versailles:

Trở thành một trong ba biểu tượng chính của Pháp, Cung điện Versailles (Chauteau de Versailles) là địa điểm chính ghi dấu những tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc Pháp thế kỉ XVII và XVIII. Tọa lạc ở phía Tây của thủ đô Paris tại thành phố Versailles. Công trình xây dựng cung điện một phần được lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại xen vào một số chi tiết nghệ thuật trong phong cách Baroque. Sở hữu diện tích 67.121 mét vuông và chứa hơn 700 phòng cùng 1 công viên có diện tích 815 héc ta, cung điện Versailles là một công trình có quy mô, kiến trúc cực kỳ đồ sộ và lộng lẫy.

Cung điện Versailes hay còn gọi là lâu đài Versailes, đây là nơi ở của các vị vua và hoàng hậu Pháp thời Louis XIII, Louis XIV, Louis XV, Louis XVI. Nơi đây được xem là cung điện mang biểu tượng cho quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp.

cung-dien-versailles
Cung điện Versailles – nguồn ảnh www.chateauversailles.fr/instagram

2. Lịch sử hình thành cung điện Versailles:

Lịch sử kể lại, vào thế kỉ thứ X, các tu sĩ đã khởi công công trình xây dựng đầu tiên trên mảnh đất Versailles, đó là nhà thờ tu viện SaintJulien. Một lâu đài nhỏ của chúa đất Versaills cũng bắt đầu thay thế cho nhà thờ cũ. Khoảng 3 năm sau đó, Giles de Versailles đã nhượng lại quyền sỡ hữu Trianon cho giám mục vùng vùng SaintGermain và vua Louis XI cũng đã cho xây dựng một lâu đài nhỏ để nghỉ ngơi tại đây.

Năm 1623, để tiện hơn trong quá trình săn bắn của mình, vua Louis XII đã cho xây dựng tại khu rừng Versailles một khu nhà nhỏ bằng gạch và đá để làm nơi dừng chân nghỉ ngơi. Ngay sau đó, ông đã mua thêm một mảnh đất của Jean de Soisy và xây dựng một lâu đài đầu tiên với cung điện bằng đá cẩm thạch tại Versailles. Ông cũng đã tiến hành việc xây dựng thêm một sàn đấu tại đây với tên gọi Jeu de Paume, dài 14*33 mét và độ dày của tường 1,3 mét. Một thời gian sau, vào 1632, ông đã mua lại toàn bộ vùng đất Versailles và khởi công vào việc mở rộng lâu đài dưới tay nghề của kiến trúc sư Philibert Le Roy. Khoảng hai năm kế tiếp, một khu vườn kiểu Pháp cũng được xây đựng trong khuôn viên của lâu đài.

LICH SU cung điện versailles
Ảnh 2: Bức phù điêu trần nhà Versailles (Nguồn: https://flic.kr/p/6pN68N)

Sau khi vua Louis XIII qua đời (1643), Louis XIV lên ngôi kế tục cha mình. Ông cảm thấy không thoải mái với bất kì cung điện hoàng gia nào của Pháp, cho dù là những công trình tầm cỡ  lúc bấy giờ. Ngay khi đặt chân đến đến thăm Versailles lần đầu tiên, ông đã mãn nhãn và thích thú với lâu đài tại đây. Trong đầu nhà vua Louis XIV lúc này thôi thúc ý định chuyển dần hoàng gia về Versailles và biến nó thành một trong những cung điện tráng lệ, uy nga hàng đầu trong các hoàng gia Âu Châu. Tại thời điểm đó, người được vua giao việc thiết kế công trình này là Louis Le Vau, việc trang trí được Charles Errad và Noel Coypel đảm nhiệm, Andre Le Notre được giao xây dựng khu vườn thú và vườn cảnh. Các hạng mục trong cung điện dần dần được hoàng thiện như các cung điện lớn nhỏ, vườn, sân… Không chỉ dừng lại ở không gian đó, vua Louis vẫn cảm thấy chưa xứng tầm với tham vọng và ngôi vị “Vua Mặt Trời của mình”. Bởi thế, ông đã tiếp tục cho Louis Le Vau mở rộng hơn gấp 3 lần từ năm 1664  đến 1666. Năm 1667 hồ chứa nước của lâu đài – Grand Canal cũng được khởi công xây dựng.

Gần 72 năm huy hoàng trị vì, vào năm 1715 vua Louis XIV qua đời. Các vua Louis XV và XVI vẫn tiếp tục xem Versailles là cung điện chính thức và còn xây dựng thêm các công trình khác như nhà hát hoàng gia và một thư viện lớn. Sau khi cách mạng Pháp bùng nổ, khi chế độ phong kiến dưới triều Louis XVI sụp đổ thì lâu đài Versailles cũng dần bị bỏ rơi và mất đi vị trí của mình. Nhiều báo vật của lâu đài được chuyển đi hoặc bán cho triều đình Anh.  Sự trở lại của vương triều Bourbon, dưới thời vua LouisPhilippe I, nơi đây chuyển thành Bảo tàng lịch sử Pháp. Các phòng trong cung điện nhanh chóng biến thành nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Mãi cho đến đầu thế kỉ XX, nơi đây đã được khôi phục toàn bộ phần trung tâm và vị trí ban đầu của nó với dáng vẻ của một thời kỳ hoàng gia Pháp uy nghi.

3. Kiến trúc và nghệ thuật:

Cung điện Versailles được xem là một trong những nơi đẳng cấp nhất Châu Âu. Vào năm 1979, lâu đài Versailles và khu vườn của cung điện đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Không chỉ nổi tiếng là nơi cư trú và hoạt động của các hoàng gia Pháp, cung điện còn là một công trình đặc sắc với mô hình lí tưởng, mang giá trị văn hóa, tính thẩm mĩ cao và cũng là sự tôn vinh, ngưỡng mộ dành cho các kiến trúc sư, nhà điêu khắc tài ba.

Người Pháp luôn tự hào với sự đa dạng của nền văn hóa mình cũng như tuổi đời của các công trình theo lối kiến trúc quyền uy khiến cả thế giới phải ngạc nhiên thán phục. Trong đó, với sự xuất hiện của công trình xây dựng cung điện Versailles đã ghi dấu những tinh hoa trong nghệ thuật phát những năm thế kỉ XVII, XVIII. Kiến trúc của cung điện tuân theo những khuôn khổ của quy tắc chuẩn mực trong chủ nghĩa cổ điển Pháp có thể kể đến như: tính chất đối xứng của các công trình, các hành lang được thiết kế nhiều cột, các công trình lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ điển pha vào chút đường nét tinh tế của nghệ thuật Baroque.

kiến trúc cung điện versailles
Ảnh 3: Kiến trúc cung điện Versailles (Nguồn: https://flic.kr/p/azAPPF)

Mang biểu tượng cho ánh hào quang Pháp, bên trong cung điện Versailles có nhiều phòng lớn được thông với nhau qua dãy các hành lang được trang trí lộng lẫy. Tất cả chi tiết từ sàn nhà đến trần nhà được trang trí và điêu khắc bởi những tay thợ thủ công tài hoa do Charles Le Brun đảm nhiệm. Nổi bật nhất là phòng Gương, căn phòng lớn nhất với độ dài 73 mét, một bên có hướng nhìn ra khu vườn, một bên được bao phủ bởi 17 vòm gương lớn, mỗi vòm gương được lắp ráp 21 tấm gương. Ngoài ra còn có phòng lớn của đức vua, của hoàng hậu; phòng ngủ của đức vua với nhiều thảm trải và lát tường mạ vàng kĩ lưỡng, bắt mắt. Tại cung điện còn được thiết kế một nhà nguyện tổ chức những sự kiện cầu nguyện của hoàng gia trước đây và một nhà hát riêng công trình cuối cùng lớn nhất khi xây dựng lâu đài Versailles.

Ngày nay cung điện bao gồm với 700 phòng, 2513 cửa sổ, 67 cầu thang, 352 ống khói, 13 héc ta mái ngói và 483 gương trong diện tích mở phục vụ cho tham quan là 67.121 mét vuông. Phần công viên có diện tích 815 héc ta gồm khu vực rừng, vườn cảnh, hàng rào đường mòn và hơn 372 bức tượng. Ngoài ra, Versailles còn có 55 hồ, bể chứa nước, 600 vòi phun nước và 35 km các kênh đào.

4. Du lịch tại cung điện Versailles:

Du lịch khám phá biểu tượng của sự thịnh vượng và hùng mạnh tại cung điện Versailles sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời mà du khách nào cũng nên một lần ghé thăm. Ngắm trọn không gian và kiến trúc Pháp, bạn sẽ nhận thấy nét tỉ mĩ và công phu của các bậc kiến trúc xưa. Từ cổng ngoài nhẹ nhàng từng bước di chuyển vào bên trong cung điện tựa như ta đang phiêu lãng trong một giấc mơ truyền thuyết vừa sang trọng lại vừa đẳng cấp. Tiếp tục lưu lại những kiến thức bên dưới cùng Toidi.net để không phải bỏ lỡ giấc mộng kiêu sa của tinh hoa nghệ thuật Pháp nhé!

4.1. Thông tin tham quan cung điện:

  • Địa chỉ: Cách thành phố Paris 20km về phía Tây, nằm tại Place D’Armes, Versailles;
  • Website: https://en.chateauversailles.fr/
  • Giờ mở cửa: Cung điện mở cửa phục vụ du khách quanh năm, tuy nhiên có sự thay đổi về khung giờ vào các thời điểm mùa cao điểm (cuối xuân đầu thu) và mùa thấp điểm (kéo qua mùa thu tháng 11 đến cuối đông). Cụ thể thời gian như sau:
  • Từ 01/4 – 31/10: Vào thứ ba đến chủ nhật cung điện mở tại khung giờ 9:00 18:30. Những khu vườn mở cửa hàng ngày vào lúc 7:00 20:30. Công trình di sản Trianon mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật cung điện mở cửa vào 12:00 18:30;
  • Từ 01/11 – 31/3: Vào thứ ba đến chủ nhật cung điện mở cửa tại khung giờ 9:00 17:30.  Những khu vườn mở cửa hàng ngày vào lúc 8:00 18:30. Công trình di sản Trianon mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật cung điện mở cửa vào 12:00 17:30;
  • Chương trình biểu diễn đài phun nước: Diễn ra từ 22/5 31/10 vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra còn có thêm chương trình đặc biệt;
  • Chương trình biểu diễn các đài phun nước về đêm: Diễn ra vào thứ bảy hàng tuần từ 12/6 18/9. Màn biểu diễn dưới nước từ 20:30 đến 22:40 và bắn pháo hoa từ 22:50 đến 23:05. Ngoài ra còn có thêm chương trình đặc biệt.
  • Vé vào cung điện: Khoảng 20 euro. Những ngày có chương trình biểu diễn đài phun nước giá vé có thể đến 27 euro. Ngoài ra nếu tham gia thêm một số hoạt động khác như chèo thuyền, bạn phải chi trả thêm cho dịch vụ này với mức giá 13 euro/nửa tiếng và 17 euro/tiếng. Đồng thời, những công dân dưới 18 tuổi không thuộc EU hoặc từ 6 đến 25 tuổi cư trú tại EU sẽ được giảm giá cho chi phí vào cổng khi xuất trình những chứng từ hợp lệ.
cổng vào Cung điện VERSAILLES
Ảnh 4: Cổng cung điện Versailles (Nguồn: https://bom.to/bInsKc)

4.2. Cách di chuyển từ Paris:

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20km, có nhiều cách để bạn lựa chọn việc di chuyển từ Paris đến  cung điện Versailles:

  • Di chuyển bằng tàu:
  • Đi tuyến tàu tàu RER C đến ga Gare de Versailles Château Rive Gauche, sau đó đi bộ tầm 10 phút để đến cung điện;
  • Di tuyến tàu SNCF từ Gare Montparnasse đến Versailles Chantiers, sau đó đi bộ 20 phút đến cung điện;
  • Đi tuyến tàu SNCF từ Gare Saint Lazare đến Versailles Rive Dropite, sau đó đi bộ khoảng 20 phút đến cung điện.
  • Di chuyển bằng xe bus: Xe bus RATP 171 chạy theo tuyến Pont de Sevres và cung điện Versailles (bến cuối của tuyến tàu điện ngầm Paris 9);
  • Di chuyển bằng xe đưa đón: Dịch vụ Versailles Express cung cấp dịch vụ vận chuyển từ tháp Eiffel (Paris) đến cung điện Versailles. Bạn có thể đặt vé tại www.versaillesexpress.com.

Các điểm tham quan chính:

Là cung điện rộng lớn mang ánh hào quang của đất Pháp, Versailles chứa đựng nhiều không gian kiến trúc và khu vực tham quan lí tưởng dành cho du khách. Toidi.net sẽ điểm qua những điểm tham quan chính để bạn có thể khám phá đầy đủ nhất về cung điện Versailles.

1. Phòng Gương cung điện Versailles

Một trong những không gian quan trọng tại cung điện Versailles phải kể đến là Hội trường Gương (hay  Galerie des Glaces). Đây là địa điểm nổi tiếng nhất thể hiện sự đóng góp góp quan trọng nhất của Louis XIV đối với Versailles. Được hoàn thành vào năm 1684, phòng Gương này hiện có tất cả 357 tấm gương, được chế tác bởi những nghệ nhân chế tác kính chuyên nghiệp đến từ Venice. Sảnh gương có chiều dài 73m, phân bổ gương thành 17 vòm và mỗi vòm được lắp ghép 21 tấm gương tạo nên không gian tráng lệ, rộng lớn.

Những tấm gương được thiết đặt và bố trí tại các vị trí tương xứng nổi bật, phản chiếu cùng những nét hoa văn, chỉ mạ vàng, tường đá cẩm thạch, đèn chùm pha lê và cửa sổ hướng ra vườn lớn. Ngoài ra, còn một điểm nhấn đặc sắc ở Hội trường Gương này còn nằm ở trần nhà hình vòng tròn. Chúng được trang trí tỉ mỉ, công phu mô tả hàng loạt 30 cảnh tượng hùng vĩ nhất tôn vinh những năm đầu của triều đại Louis XIV.

ANH 5 - DU LICH Cung điện VERSAILLES
Ảnh 5: Hội trường Gương (Nguồn: https://flic.kr/p/9WZWZM)

2. The King’s Estate Apartment:

The King’s Estate Apartment là bộ bảy căn phòng hoàng gia được trang hoàng lộng lẫy. Nhóm 7 căn phòng này bao gồm: The Hercules Room; The Room of Abundance; The Venus Room; The Diana Room; The Mars Room; The Mercury Room; The Apollo Room. Mỗi một căn phòng hoàng gia được trang trí theo nhiều cách khác nhau nhằm tạo nên những đặc trưng riêng biệt. Nổi bật trong nhóm The King’s Estate Apartment này chính là Mercury Salon căn phòng với hiệu ứng tông màu đỏ thẫm chủ đạo. Tên của căn phòng được đặt theo tên của một bức tranh Mercury ngồi xe ngựa được trên phác trên trần nhà.

Cung điện VERSAILLES
Ảnh 6: Mercury Salon (Nguồn: https://flic.kr/p/CUfy3k)

3. Nhà Nguyện hoàng gia:

Nhà nguyện là một trong những tuyệt tác tại cung điện Versailles được xây dựng và hoàn thành vào năm 1710 bởi kiến trúc sư người Pháp Jules Hardouin-Mansart. Nơi đây thường tổ chức các buổi lễ hàng ngày như các đám cưới hoàng gia, lễ rửa tội cho đến năm 1789. Nội thất của nhà Nguyện được trang trí kĩ lưỡng bằng đá cẩm thạch trắng và những bức họa trong kinh thánh nằm dọc các bức tường, nổi bật hơn là các bức phù điêu miêu tả về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ.

ANH 7 - DU LICH Cung điện VERSAILLES
Ảnh 7: Nhà Nguyện (Nguồn: https://flic.kr/p/2hUiEJw)

4. Khu vườn trong lâu đài:

Hình ảnh bao quát toàn bộ khu vườn trong cung điện Versailles và công viên là thành quả của nghệ thuật phối cảnh công phu, đặc sắc. Khu vườn được thế kế bởi kiến trúc sư cảnh quan nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất nước Pháp lúc bấy giờ André Le Nôtre. Sau khi được hoàn thành, khu vườn đã trở thành hình mẫu chuẩn mục cho các khu vườn hoàng gia trên khắp thế giới.

Trong khuôn viên của khu vườn Versailles còn có các đài phun nước, được thiết kế bởi Le Nôre cùng 2 nhà điêu khắc Gaspard và Balthazard Marsy. Tất cả các đài phun nước trong khu vườn bao gồm hơn 30 đài, trong đó nổi tiếng nhất là Latona và Apollo, tượng trưng cho sức mạnh của con người đối với thiên nhiên. Tượng nữ thần Latona tại đài phun nước Latona là điểm chính nhất được nhà vua Louis XIV cho xây dựng vào năm 1662. Các đài phun nước này còn được dùng để sử dụng trong các buổi trưng bày hoành tráng vào sự kiện hằng năm của Les Grandes Eaux Musicales de Versailles.

Khu vườn Versailles
Ảnh 8: Khu vườn Versailles (Nguồn: https://bom.to/j0ZiO6)

5. Dinh thự Trianon:

Đến với cung điện Versailles sẽ không trọn vẹn nếu bạn bỏ qua dinh thự Trianon. Nơi đây được nhà vua xây dựng sử dụng cho mục đích giải tỏa tâm trạng vào những lúc triều chính căng thẳng. Khu vực dinh thự bao gồm cung điện Grand Trianon, Petit Trianon và khu điền trang Queen’s Hamlet.

Đối lập với khung cảnh hoành tráng của cung điện Versailles, hoàng hậu Pháp đã cho xây dựng thêm một cung điện bên trong tách biệt với cuộc sống xa hoa nơi hoàng gia. Khu điền trang Queen’s Hamlet là nơi yêu thích của Hoàng Hậu Marie Antoinette. Nó là một một ngôi nhà được xây dựng theo phong cách Anh được thiết kế mộc mạc cạnh bên dòng suối chảy róc rách vào hang động, một ao vườn và chiếc cối xay nhỏ bé mang hương vị của cuộc sống nông thôn bình dị.

Cung điện VERSAILLES
Ảnh 9: Queen’s Hamlet (Nguồn: https://bom.to/nsm2E0)

Gợi ý lịch trình tham quan Cung điện VERSAILLES

Cập nhật cho mình những thông tin thú vị về Versailles, có phải bạn đang rất hào hứng và muốn bước ngay vào giấc mơ chinh phục cung điện hoàng gia phải không nào? Việc khám phá đầy đủ từng ngóc ngách của cung điện là một điều không hoàn toàn dễ dàng. Bạn phải cần ít nhất nhất từ nửa ngày đến một ngày mới có thể vòng quanh tìm hiểu mà không bị gò bó về thời gian. Vậy thì phải suy nghĩ cho mình một lịch trình thế nào cho hợp lí? Toidi.net gửi đến bạn món quà đặc biệt trong bài viết này với gợi ý về lịch trình 1 ngày tham quan tại cung điện Versailles:

  • Di chuyển đến cung điện Versailes và mua vé tham quan cung điện trước 9:00;
  • 9g00 11g00: Dành 2 giờ đồng hồ cho việc tham quan toàn bộ bên trong cung điện với Hội trường Gương, phòng hoàng gia, nhà Nguyện hoàng gia…
  • 11g00 – 12g00: Tham quan khu vườn Versailles với 55 đài phun nước;
  • 12g00 – 13g00: Nghỉ trưa tại nhà hàng La Flottille;
  • 13g00 – 13g30: Tham quan Le Grand Trianon;
  • 13g30 – 14g00: Tham quan Petit Trianon;
  • 14g00 – 16g30: Tham quan Queen’s Hamlet;
  • Di chuyển ra cổng và kết thúc chuyến tham quan.

Câu hỏi lên quan đến cung điện Versailles:

5.1. Thời điểm lí tưởng đến cung điện Versailles?

Cung điện Versailles là điểm đến luôn thu hút lượng lớn du khách đến hằng năm. Phần lớn mùa hè và mùa xuân thì nơi đây trông sẽ tuyệt vời hơn với sự thay đổi của cảnh quan thiên nhiên và thời tiết thích hợp. Tuy nhiên, du khách cũng nên lưu ý tránh vào những mùa cao điểm khi lượng khách tăng lên rất nhiều nhé!

5.2. Giá vé vào cung điện Versailles là bao nhiêu?

Giá vé vào cung điện khoảng 20 euro. Vào những ngày có chương trình biểu diễn đài phun nước giá vé có thể đến 27 euro. Ngoài ra nếu bạn tham gia thêm một số hoạt động khác như chèo thuyền, bạn phải chi trả thêm cho dịch vụ này với mức giá 13 euro/nửa tiếng và 17 euro/tiếng.  

5.3. Nên lưu ý những gì khi đến cung điện Versailles?

Toidi.net xin gửi bạn một vài lưu ý khi đến cung điện Versailles như sau: Thứ nhất, không nên mang giày cao gót (vì phải di chuyển nhiều và vì sàn nhà thường lót bằng gỗ, sân vườn lót bằng đá cuội sẽ cản trở ít nhiều). Thứ hai, sẽ bất tiện hơn khi tham quan đối với những du khách khó khăn trong việc di chuyển; Thứ ba, bạn có thể sử dụng điện thoại chụp ảnh, nhưng đừng bật Flash nhé; Cuối cùng, tránh tham quan vào những giờ cao điểm…

Vòng quanh tại cung điện Versailles trong bài viết này chắc chắn sẽ giúp bạn tiếp thu thêm nhiều thông tin bổ ích cung cấp cho chuyến hành trình của mình. Với vẻ đẹp hào quang và ánh sáng quyền quý đến từ lối kiến trúc đặc biệt, bạn không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng mà còn được tiếp thu thêm nhiều kiến thức về một hoàng gia gắn với vị “Vua Mặt Trời” trong lịch sử đất Pháp. Lên lịch ngay và đi cùng Toidi.net ngay thôi nào!

Loading

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.