Nhắc đến Hà Giang người ta thường nghĩ đến những dãy núi đá tai mèo xám xịt, những thảm hoa tam giác mạch chen với đá, những con đường quanh co lưng chừng núi và vô số cảnh thiên nhiên hùng vĩ khác. Tuy nhiên, nếu ai đến cao nguyên Hà Giang một lần sẽ khó lòng quên được những món ăn ở đây. Những món ăn mộc mạc, đặc sắc như chính cuộc sống của con người trên mảnh đất cao nguyên đá khô cằn này. Và những món ngon Hà Giang ấy là cách để bạn hiểu và gần gũi nhất với người dân ở đây. Nếu lên Hà Giang hãy “chớp” lấy cơ hội để thưởng thức được hết những món ăn này nhé!
Danh sách Món Ngon Hà Giang dành cho người thích Du lịch Ẩm thực
Cháo ấu tẩu
Địa chỉ: Quán ăn ở Phố cổ Đồng Văn Cháo ấu tẩu như loại cháo thịt với chân giò bình thường nhưng có thêm ấu tẩu nấu cùng và cháo màu hơi vàng, vị đăng đắng của ấu tẩu. Người ta nói rằng đến Hà Giang không thưởng thức cháo ấu tẩu xem như chưa đến Hà Giang. Cháo ấu tẩu có thành phần nguyên liệu từ củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, nhưng nếu biết cách loại bỏ chất độc đi thì đây lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh mất ngủ. Qua cách chế biến loại bỏ độc tố tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành món cháo ấu tẩu nức tiếng của mảnh đất cao nguyên đá. Nấu cháo ấu tẩu không quá cầu kỳ, chỉ với chân giò vào gạo được ninh nhừ cùng củ ấu tẩu là đã làm nên một nồi cháo ấu tẩu tuyệt hảo. Giá: 15.000đ – 30.000đ/bát
Phở chua Hà Giang
Địa chỉ: Quán ăn ở thị trấn Mèo Vạc Bát phở có vị chua nên được gọi là phở chua, được chế biến từ bánh phở tươi ngon trộn với nước phở sền sệt chua ngọt làm từ một loại hòa với đường, cùng bột sắn thêm một chút gia vị. Bát phở chua có thêm những lát thịt lợn quay, lạp xưởng và nộm đu đủ hoặc dưa chuột nạo rắc thêm ít rau thơm. Vậy là đã có một bát phở chua hoàn hảo đúng điệu. Phở chua không ngập trong nước mà chỉ xăm xắp nước chua khiến món ăn không quá khô rất dễ ăn. Bạn có thể dễ dàng tìm được món ăn này trong các buổi chợ phiên hay quán ăn nhỏ tại Hà Giang. Giá: 25.000đ/bát
Bánh tam giác mạch
Địa chỉ: Quán ăn ở Dinh thự nhà họ Vương – Sà Phìn – Đồng Văn Bánh được làm từ hạt tam giác mạch xay nhỏ và trộn với nước nặn thành miếng bánh rồi đem nướng chín trên bếp than hồng. Bánh ăn mộc mạc bùi bùi béo béo nhai kỹ thấy vị ngọt ngào. Giá: 7.000đ/chiếc
Gà núi
Địa chỉ: Quán ăn ở thị trấn Mèo Vạc Gà trên cao nguyên đá nhặt hạt gô, hạt lúa rơi rớt, bới con sâu trong hốc đá ăn mà lớn lên nên thịt chắc dai và ngọt. Gà có thể nấu lẩu, nướng hoặc luộc. Mùa đông thấm thía cái lạnh trên vùng cao ngồi quanh nồi lẩu gà với vô số loại rau (có cả cây mầm tam giác mạch) mà sì sụp với nước lẩu ngọt thanh, cùng thịt gà và rau sẽ khiến bạn nhớ mãi. Giá: khoảng 100.000đ/người
Bánh cuốn Đồng Văn
Địa chỉ: Quán ăn ở thị trấn Đồng Văn Bánh cuốn là món ăn quen thuộc ở miền Bắc nhưng mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau. Vỏ bánh làm từ bột gạo mỏng tanh nhưng mịn, dai và ngọt. Bánh cuốn Hà Giang khác biệt bởi khi ăn được ăn cùng bát canh to với nước xương ninh nhừ và ăn cùng giò lụa hoặc chả băm thêm vài cọng rau thơm. Bánh cuốn nơi đây nổi tiếng nhưng không nằm trong nhà hàng sang trọng mà nằm khiêm tốn khuất trong hàng quán đơn sơ ở những con hẻm nhỏ của phố cổ Đồng Văn. Bánh được tráng khi có khách gọi trực tiếp trên bếp củi, tùy theo khẩu vị của người ăn mà cho nhân có thịt và mộc nhĩ hoặc trứng tráng. Dưới tiết trời se lạnh của buổi sớm mai ngồi bên bếp nấu bánh bốc khói nghi ngút cho ra món bánh cuốn thơm nức, ngậy béo thật khiến du khách xao lòng. Giá: 19.000đ/suất
Xem thêm: 88 Món Ngon Hà Nội (full trọn bộ Ẩm thực xứ Hà Thành)
Món Ngon Hà Giang
Thắng cố Hà Giang
Món ăn này từ lâu đã là đặc sản của người dân vùng cao nhưng nếu đến Hà Giang thì bạn phải thử qua ít nhất một lần. Để nấu một nồi thắng cố ngon, người ta dùng tất cả nội tạng của bò, trâu hoặc ngựa cùng phần thịt xào lăn qua và đổ nước ninh liên lục trong nhiều giờ cùng thảo quả, hạt dổi và xả. Thắng cố được ăn ngay bên cạnh bếp khi vẫn còn nóng và nhâm nhi chén rượu ngô trong cái lạnh của vùng cao thì mới cảm nhận hết được hương vị của món ăn này.
Thắng dền
Thắng dền mới đầu nhìn sẽ thấy giống với món bánh trôi tàu (bánh chay) của người miền xuôi. Tuy nhiên thắng dền Hà Giang được làm từ gạo nếp, bọc nhân đỗ cho vào luộc chín và ăn cùng nước pha với đường, gừng và lạc rang rắc lên trên. Do vậy, món ăn có hương vị vô cùng thơm, ngọt bù và ấm nóng để chống lại cái lạnh vùng cao.
Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà được người H’mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, nuôi ong lấy mật từ hoa bạc hà họ trồng và các loài hoa thảo mộc hoang dại khác. Mật được thu hoạch vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Mật ong bạc hà có màu vàng xanh nhạt, có vị ngọt đậm nhưng lại mang hương thơm mát của bạc hà rất dễ chịu. Mật không chỉ là thức uống hay nguyên liệu chế biến đồ ăn mà còn là một loại thuốc bổ tự nhiên có lợi cho hô hấp và tiêu hóa. Chính vì vậy, mật ong bạc hà có giá trị cao mà cũng là thứ được nhiều người săn đón.
Xôi ngũ sắc
Món xôi dẻo thơm mang nhiều màu sắc khác nhau ăn cùng muối lạc bùi béo. Để tạo lên màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc những loại cây quả mang màu sắc được tận dụng như: màu đỏ là màu của gấc, lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau. Mỗi màu lại tạo nên một mùi thơm riêng biệt cho món xôi ăn mãi không ngán.
Rượu ngô
Rượu ngô nấu ngon nhất là rượu của người dân tộc Mông, được nấu từ thứ ngô mọc trên đá và men lá truyền thống rượu mang vị ngọt, thơm của ngô. Rượu uống nhiều chỉ có say chứ không bị mệt, nếu uống ít thì thấy khỏe người hơn vì rượu nhẹ chỉ khoảng 25-30 độ. Rượu ngô xuất hiện thường xuyên trong đời sống của bà con vùng cao, từ phiên chợ hàng tuần đến các dịp lễ tết quan trọng.
Cam sành Bắc Quang
Cam Bắc Quang được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang. Cam sành Bắc Quang quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi thơm mát. Quả cam cùi dày nên để được đến 20 ngày mà không bị hỏng. Cam chỉ trồng được trên Hà Giang mới đem lại quả to và hương vị ngọt ngào. Ngoài những món ăn trên bạn cũng có thể thưởng thức thêm món phở cồ, mèn mén, lạp xưởng,… Một số địa chỉ ăn uống tại Hà Giang: Quán “nhà sàn cơm dân tộc” : tổ 1 – phường quang trung – tp. Hà Giang Nhà hàng cơm Việt: tổ 2 – phường quang trung – tp. Hà Giang Nhà hàng Trung Vân: tổ 1 – phường Trần Phú – tp. Hà Giang Quán Tiểu Nhị, đối diện cổng vào chợ Đồng Văn Bài viết Món Ngon Hà Giang có mượn một số hình ảnh của bạn Hachi8, cảm ơn bạn đã cung cấp hình ảnh để bài viết được phong phú hơn.
Những bài viết hay về Hà Giang nhiều người đọc
Lịch trình Du lịch Hà Giang (chi tiết 3 option)