Những phiên chợ tình ở các tỉnh miền núi phía Bắc luôn là hoạt động được nhiều du khách mong đợi và quan tâm khi đặt chân đến vùng đất này, trong đó phải kể đến Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang). Chợ tình Khâu Vai là phiên chợ tình đặc sắc bậc nhất cả nước, mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc tại Hà Giang diễn ra chỉ duy nhất một lần trong năm. Do vậy, đến Hà Giang, nhớ ghé Chợ tình Khâu Vai nhé, không đi là tiếc cả đời đấy!

Chợ tình khâu vai ở đâu ?

Trước khi tìm hiểu về chợ tình Khâu Vai bạn cũng nên tham khảo những bài viết hay về du lịch Hà Giang được nhiều độc giả đọc nhất trên site Toidi

Chợ tình Khâu Vai (còn goi là chợ tình Khau Vai, chợ phong lưu) diễn ra tại bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – một bản nằm ở khu vực cao nguyên đá Đồng Văn cách thành phố Hà Giang khoảng 180km về phía Bắc.

Theo quan niệm của người Việt, chợ là nơi để mua bán trao đổi hàng hoá. Do vậy, khi nhắc đến “Chợ tình”, nhiều người sẽ hình dung đây như là nơi phong lưu, mua bán tình giống như ở các “khu phố đèn đỏ” nơi thành phố hiện đại. Hoàn toàn không phải vậy, “Chợ tình” của đồng bào dân tộc phía Bắc mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, là nơi những người yêu nhau hò hẹn, trao gửi tình cảm. Đây là nét văn hoá truyền thống độc đáo nơi vùng cao phía Bắc mà bất cứ ai khi đặt chân đến đây cũng muốn một lần trải nghiệm. Tuỳ từng phong tục tập quán của mỗi địa phương, chợ tình sẽ có những hoạt động giao lưu, gửi gắm yêu thương khác nhau.

cho-tinh-khau-vai-o-dau
Chợ tình Khâu Vai là nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc tại Hà Giang (CR – meoxnh)

Trong các phiên chợ tình vùng cao phía Bắc, chợ tình Khâu Vai là độc đáo nhất. Phiên chợ đã có lịch sử từ rất lâu, là nơi để những đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau có cơ hội gặp lại nhau trong 1 ngày sau thời gian xa cách, chia sẻ tâm tình, cập nhật thông tin tình hình của nhau. Dần về sau này, không chỉ là nơi gặp gỡ của các cặp đôi “lỡ duyên”, chợ tình Khâu Vai còn là không gian văn hoá để các cặp nam thanh nữ tú giao lưu văn nghệ, phô diễn tài năng và gặp gỡ tìm bạn đời.

chợ tình khâu vai hà giang
Giao lưu nhảy múa tại chợ tình (Ảnh – Quốc Anh QAG)

Chợ tình khâu vai diễn ra vào ngày nào

Chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào ngày 27 tháng 3 âm lịch (vào khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch). Một số tư liệu ghi lại Chợ tình Khâu Vai bắt đầu vào năm 1919, tính đến này đã có lịch sử hơn 100 năm.

Trước đây, phiên chợ chỉ diễn ra duy nhất trong vòng 1 ngày. Sau này, do nhu cầu được giao lưu gặp gỡ của đồng bào cũng như quảng bá thu hút khách du lịch, chợ tình Khâu Vai được kéo dài thời gian tổ chức lên 3 ngày với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

chợ tình khâu vai vào ngày nào
Chợ tình Khau Vai thu hút nhiều người trẻ đến tham gia tìm bạn đời (Ảnh – Em De Thuong)

Chợ tình Khâu Vai có nguồn gốc từ đâu?

Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của chợ tình Khâu Vai, trong đó truyền thuyết chuyện tình “dang dở” của chàng Ba, nàng Út là phổ biến nhất. Tương truyền rằng, chàng Ba là chàng trai chăm chỉ, tài giỏi người dân tộc Nùng đem lòng yêu cô Út xinh đẹp, thiện lương người dân tộc Giáy. Nhưng do không môn đăng hộ đối khi nàng Út là con tộc trưởng giàu có thì chàng Ba nhà nghèo, cùng với phong tục tập quán thời đó không cho kết hôn khác dân tộc nên chuyện tình của họ bị gia đình phản đối dữ dội. Họ bèn rủ đi trốn, lên núi Khâu Vai sống cùng nhau. Tuy nhiên, cũng từ đó gia đình hai bên, họ tộc và làng xóm liên tục đổ lỗi qua lại, vác gậy gộc, cung nỏ, dao, rựa đánh chém nhau suốt. Nhìn thấy cảnh gia đình mình như vậy, chàng Ba và nàng Út cảm thấy xót xa vô hạn nên phải đành lòng chia tay quay về lại để gia đình yên ổn. Ngày họ chia tay là ngày 27/3 âm lịch, họ hẹn ước ngày này mỗi năm sẽ gặp nhau tại Khâu Vai hàn huyên tâm sự, kể nhau nghe về cuộc sống hiện tại. Cứ như vậy 27/3 hàng năm họ lại gặp nhau tại Khâu Vai, hát cho nhau nghe, tâm tình đến hết đêm và hôm sau trở về với cuộc sống thường ngày. Cho đến những ngày cuối đời, cặp đôi tìm đến nhau tại Khâu Vai và cùng nhau đi vào cõi vĩnh hằng, cũng vào ngày 27/3 âm lịch. Để tưởng nhớ đến chuyện tình đẹp nhưng dang dở của cặp trai tài gái sắc chàng Ba – nàng Út, người dân đã lập 2 miếu thờ – miếu Ông, miếu Bà ngay tại chính nơi họ mất. Cũng từ đó, chợ tình Khau Vai ra đời và được duy trì đến nay.

 

Bài có nhiều người đọc: : 6 Lý Do bạn Nên Đến Cột Cờ Lũng Cú 1 lần trong đời

Chợ tình Khâu Vai có gì hấp dẫn?

Không chỉ là nơi giao lưu, hẹn hò của đồng bào thuộc nhiều dân tộc khác nhau tại Hà Giang, chợ Khâu Vai trở thành một điểm đến thu hút rất đông du khách từ mọi miền đất nước đến tham quan và khám phá.

chợ tình khâu vai có ở thành phố nào
Phiên Chợ thu hút rất đông lượt khách đến tham gia mỗi năm (Ảnh – La Cam Van)

Trải nghiệm nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc

Có thể nói, khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác dải đất hình chữ S nói riêng hay thế giới nói chung một phiên chợ giống như chợ tình Khâu Vai. Điểm độc đáo của chợ Khâu Vai chính là những đôi trai gái “yêu không đến được với nhau” gặp nhau, thổi khèn, hát cho nhau nghe, hàn huyên tâm sự ôn lại chuyện xưa, kể cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại, những buồn vui thường ngày. Chợ tan thì tình tan, họ chia tay cực kỳ “văn minh”, lại quay về với gia đình mình, làm tròn bổn phận của người vợ/người chồng. Có những gia đình cả vợ chồng, bố mẹ, con cái đều đến tham gia chợ tình để gặp lại “người cũ”, tìm bạn đời mà không hề có xích mích, ghen tuông từ một nửa hiện tại. Một nét văn hoá rất “kỳ lạ “nhưng đậm tính nhân văn của đồng bào dân tộc tại Hà Giang.

Hoà mình vào không khí chợ tình Khâu Vai đầy màu sắc

Chợ tình là nơi hẹn hò, gặp gỡ của những đôi yêu nhau, chính vì vậy ai cũng muốn diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Chợ tình Khâu Vai cũng vậy, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt của các nam thanh nữ tú đồng bào dân tộc Nùng, Giáy, Lô Lô, Mông,…

chợ tình khâu vai ngày nào
Trai gái từ các bản diện những bộ trang phục đẹp nhất đến chợ tình(Ảnh – secret_garden_lh)

Ngoài ra, bạn còn được hoà mình vào không gian văn hoá, âm nhạc đa sắc màu đến từ nhiều dân tộc như thổi khèn Mông; hát dân ca dân tộc Nùng, dân tộc Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô…

chợ tình khâu vai hà giang
Du khách thích thú trải nghiệm thổi khèn tại Chợ tình Khâu Vai (Ảnh – Dương Văn Tăng)

Tham gia các trò chơi dân gian

Chợ tình Khâu Vai cũng là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như tung còn giao duyên, ném pao, bắn nỏ, địu nước, hội thi đua lợn đen Lũng Pù…Trải nghiệm tham gia các trò chơi dân gian sẽ giúp bạn thêm hiểu về phong tục tập quán, văn hoá, nếp sống sinh hoạt của các đồng bào dân tộc nơi cao nguyên đá Đồng Văn.

Thưởng thức đặc sản Hà Giang

Đến với chợ Khâu Vai, bên cạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, bạn đừng quên thưởng thức các món đặc sản Hà Giang như thịt hun khói, thắng cố, rượu ngô, mèn mén, thịt trâu gác bếp…Giữa không gian núi rừng lắng nghe tiếng hát, tiếng khèn của những đôi trai gái, nhâm nhi một chút rượu ngô cùng thịt hun khói sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên trên hành trình đến với vùng đất địa đầu tổ quốc.

cho-tinh-khau-vai-thuong-thuc-ruou-ngo
Thưởng thức rượu ngô là một trải nghiệm không thể bỏ qua tại Hà Giang (Ảnh- lmthanh)

Đến chợ tình Khâu Vai như thế nào?

Đến thành phố Hà Giang, có nhiều cách để bạn di chuyển đến bản Khâu Vai:

  • Đi xe khách: đón xe khách tại bến xe Hà Giang đi đến thị trấn Mèo Vạc (khoảng 160km, giá vé 110.000đ/ khách, mất 6 – 7 tiếng), rồi từ đó bắt xe ôm đi thêm 30km đến Khâu Vai.
  • Đi xe máy: nhiều bạn trẻ lựa chọn thuê xe máy từ Hà Giang chạy lên Mèo Vạc để có thể chủ động thời gian, trải nghiệm cảm giác chinh phục những con đèo, dừng chân ở các điểm đến hấp dẫn dọc đường. Chi phí thuê xe máy khoảng 200.000đ – 250.000đ/ngày

Cần lưu ý gì khi đến với chợ tình Khâu Vai?

Chợ tình Khâu Vai là phiên chợ của đồng bào dân tộc nên sẽ có những phong tục, tập quán đặc trưng mà bạn nên lưu ý để tránh những điều đáng tiếc nhé:

  • Không nên chọc ghẹo gái bản: dù gì bạn cũng là người phương xa đến nên tốt nhất không nên chọc ghẹo, trêu đùa những cô gái tại địa phương để tránh xích mích với các chàng trai bản xứ, gây gổ không hay.
  • Không mặc trang phục người dân tộc: một số đồng bào dân tộc ở miền núi phía Bắc có tục “bắt vợ”, do vậy để tránh bị “bắt nhầm” thì bạn không nên mặc trang phục người dân tộc lang thang ở chợ tình Khâu Vai nhé!
  • Không huýt sáo tại chợ tình: theo phong tục địa phương, trai gái tham gia phiên chợ thường sẽ huýt sáo để gọi bạn, ra dấu hiệu cho bạn tình. Chính vì vậy, để tránh nhầm lẫn bạn không nên huýt sáo tại chợ tình Khâu Vai.
  • Tránh mặc cả hay kì kèo trả giá: đồng bào dân tộc không thích mặc cả hay kì kèo trả giá tại chợ phiên do đó bạn nên lưu ý khi muốn mua một món hàng nào, tránh mất lòng người bán. 

Ai đó đã nói rằng, đến Hà Giang mà chưa đến chợ tình Khâu Vai thì xem như chưa biết Hà Giang. Có thể nói, chợ tình Khâu Vai đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng, một điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với vùng đất địa đầu tổ quốc Hà Giang, mang lại cho du khách những trải nghiệm mới lạ, cảm nhận đặc biệt về truyền thống, nét đẹp tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây.

Những bài viết hay về Hà Giang được nhiều độc giả đọc nhất trên site Toidi

Loading

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.